Dự kiến công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT ngày 27/8
Những thí sinh có nguyện vọng phúc khảo bài thi có thể nộp đơn tại nơi đăng ký xét tuyển từ ngày 27/8. Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo sẽ hoàn thành chậm nhất ngày 23/9.
Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chấm thi tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ GD&ĐT. |
Nắm chắc quy chế thi trong khâu chấm thi
Bộ GD&ĐT cho biết kể từ khi bắt đầu chấm thi (ngày 11/8), lãnh đạo bộ và cơ quan chuyên môn đã kiểm tra công tác chấm thi tại nhiều địa phương (Nam Định, Hà Nam, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh…).
Ngoài việc bảo đảm an toàn phòng dịch Covid-19 trong quá trình chấm thi, Bộ GD&ĐT đã quán triệt các địa phương trong chấm thi phải nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và chính xác; kết quả thi phản ánh chất lượng thật của thí sinh, báo Giáo dục và Thời đại dẫn lời Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ.
Trên tinh thần đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các thành viên trong Ban chấm thi địa phương nắm chắc quy chế, quy trình chấm thi. Phân định rõ chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của từng thành viên trong Ban chấm thi (từ trưởng ban, phó ban, trưởng môn chấm, cho đến các tổ trưởng tổ chấm).
Việc giao túi bài thi cho cán bộ chấm thi được thực hiện theo hình thức bốc thăm bằng phiếu. Trưởng môn chấm thi tổ chức bốc thăm nguyên túi cho cán bộ chấm thi, giao riêng cho từng người.
Bài thi tự luận do 2 giám khảo chấm độc lập ở 2 tổ khác nhau
Khi chấm bài thi tự luận, 2 giám khảo phải chấm đều tay. Muốn vậy, cán bộ chấm thi phải thống nhất nhận thức, quan điểm, cách thức chấm, biểu điểm, đáp án.
Theo đó, trưởng môn chấm thi tập trung toàn bộ các tổ trưởng tổ chấm thi, cán bộ chấm thi để quán triệt quy chế thi; thảo luận hướng dẫn cách chấm và tổ chức chấm chung ít nhất 10 bài thi tự luận để rút kinh nghiệm; từ đó thống nhất cách áp dụng hướng dẫn chấm.
Khi nắm chắc quy chế và cách chấm thi mới tổ chức chấm theo quy trình 2 vòng độc lập tại 2 phòng chấm thi riêng biệt, nhằm bảo đảm nguyên tắc công bằng.
Mỗi bài thi tự luận phải được 2 giám khảo chấm độc lập ở 2 tổ khác nhau. Đây là nguyên tắc bắt buộc mà các Hội đồng thi tốt nghiệp THPT ở địa phương phải thực hiện.
Đặc biệt, cần lưu ý không để xảy ra những sai sót hoặc nhầm lẫn trong quá trình chấm thi như: Cộng nhầm điểm của thí sinh, chấm thiếu bài của thí sinh, nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho thí sinh.
Hạn chế thấp nhất sai sót khi chấm bài thi trắc nghiệm
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia Thi tốt nghiệp THPT, lưu ý đối với chấm thi trắc nghiệm, số lượng bài không nhiều, phải đặc biệt chú ý khâu sửa lỗi.
Quá trình xử lý cần chú ý lỗi về thông tin cá nhân thí sinh và lỗi liên quan bài làm của thí sinh để bảo đảm kết quả chuẩn xác.
Trước khi chấm trắc nghiệm, cần cho chạy thử hệ thống và chỉ khi bảo đảm thông suốt mới thực hiện chấm chính thức. Quét bài thi trắc nghiệm phải theo từng túi (1 phòng thi).
“Bảo đảm tuyệt đối an toàn cho bài thi, hạn chế thấp nhất sai sót kỹ thuật, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực trong chấm thi”, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.
Đặt quyền lợi của thí sinh lên cao nhất
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, trong quá trình chấm thi môn tự luận, nhiều vấn đề giáo viên muốn giữ quan điểm của mình. Tuy vậy, các thầy cô cần hài hòa và tôn trọng quan điểm, lý lẽ của thí sinh, bởi đề thi thiết kế theo hướng mở, khuyến khích sự sáng tạo và quan điểm riêng của người viết.
Do đó, “người chấm tuyệt đối không được bảo thủ và phải đặt quyền lợi của thí sinh lên trên hết”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ Nhấn mạnh.
Với các tình huống phát sinh (nếu có), cán bộ chấm thi cần bình tĩnh xử lý theo nguyên tắc: Đúng quy chế, bảo đảm công bằng và đặt quyền lợi của thí sinh lên trên hết.
BÌNH LUẬN (0)